Học sinh Trường Thực hành Sư phạm hưởng ứng cuộc thi Văn hay chữ tốt

Học sinh Trường Thực hành Sư phạm hưởng ứng cuộc thi Văn hay chữ tốt
Từ lớp rèn chữ đến cuộc thi Văn hay chữ tốt cấp trường, cấp thành phố rồi cấp tỉnh, nhiều học sinh trường Thực hành Sư phạm đã hào hứng tham gia rèn chữ luyện văn. Hiệu quả của việc rèn luyện này không chỉ dừng lại ở kết quả của một cuộc thi mà còn nhiều hơn thế, bởi nét chữ là nết người, văn học là nhân học.
          Từ trung tuần tháng 9, nhóm giáo viên Ngữ văn Trường Thực hành Sư phạm phối hợp với giáo viên dạy rèn chữ đã mở lớp rèn chữ cho học sinh trung học. Có khoảng trên 60 học sinh tham gia ở 2 lớp rèn chữ cơ bản và nâng cao. Ở lớp cơ bản, các em được học phương pháp rèn luyện cách viết chữ thường, chữ hoa tạo được nét thanh đậm, các kĩ thuật nối chữ,…để đảm bảo chữ viết đẹp chân phương, nét chữ ổn định, tránh thói quen viết chữ cẩu thả, bỏ nét khi trình bày chữ trong tập học hàng ngày, khi làm bài thi hay khi kiểm tra.  Ở lớp nâng cao, các em được học thêm về cách viết chữ sáng tạo và cách sáng tạo những mẫu chữ đẹp, được rèn luyện kĩ năng sử dụng bút lá tre để tạo nên những nét chữ linh hoạt, độc đáo của riêng mình. Cách trình bày mang tính thẩm mỹ khi thể hiện lại hay sáng tác các bài văn, bài thơ.




          Từ lớp rèn chữ đã chọn lựa được những học sinh tham gia vào các cuộc thi Văn hay chữ tốt. Kết quả cuộc thi vòng trường có 12 giải, chọn 6 học sinh đi thi cấp thành phố đạt 5 giải, 3 học sinh được chọn thi tiếp vào vòng tỉnh và đạt được 2 giải. Hiện nay hai em Nguyễn Ngọc Trúc và Kim Thái Huyền Vi đạt giải Nhì và giải Ba vòng tỉnh đang tiếp tục ôn luyện để bước vào vòng thi cấp khu vực vào ngày 25/11/2016.
           Bài thi Văn hay chữ tốt kết hợp giữa chữ viết đẹp và kĩ năng viết văn nhằm phát huy cảm xúc, trí tưởng tượng của học sinh ở thể văn biểu cảm và kể chuyện; phát huy khả năng tư duy lập luận với kiến thức về đời sống xã hội ở thể văn nghị luận; phát huy tính thẩm mĩ trong cách trình bày và thể hiện bằng chữ viết. Tất cả là quá trình rèn luyện năng lực cảm xúc, trí tuệ và thẩm mĩ ở học sinh, đây chính là mục đích thực sự cần hướng tới để học sinh có thể phát triển toàn diện, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu giáo dục của Trường Thực hành Sư phạm.
Một số hình ảnh hoạt động
  
 
 

Tác giả bài viết: Trần Thanh Ngân, Bùi Hữu Khánh