GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 4/2019

GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 4/2019
Hưởng ứng ngày sách Việt Nam 21/4 và kỉ niệm 44 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019), Thư viện xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc quyển sách: “Những trận đánh trong lịch sử Việt Nam - Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954” và hai quyển sách khác có nhan đề là: “Tục ngữ ca dao Việt Nam” và “Dấu chân người lính”.

1. “Những trận đánh trong lịch sử Việt Nam- Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954”
- Ký hiệu sách: 765(083)
- Tác giả: Phan Ngọc Liên (Chủ biên),…
- NXB: Trẻ
- Năm xuất bản: 2009; 184 trang; khổ 16×24 cm.
Quyển sách gồm có 04 phần chính bao gồm:
- Phần I: Đất xưa Điện Biên
- Phần II: Điện Biên Phủ - Tại sao?
- Phần III: Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ- Diễn Biến Chính Sự
- Phần IV: Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ
Nội dung của quyển sách chủ yếu khái quát chung về bối cảnh lịch sử, diễn biến, những mẫu chuyện và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, sách còn giới thiệu những địa danh, thơ văn, di tích lịch sử, bài hát và tranh ảnh liên quan. Đọc quyển sách này, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về diến biến của chiến dịch Điện Biên Phủ, về những khó khăn, vất vả, ý chí gan góc, kiên cường của quân dân ta trong cuộc chiến ấy. Để từ đó, chúng ta thêm tự hào về truyền thống của dân tộc và thêm yêu đất nước mình.
2. “Tục ngữ ca dao Việt Nam”
- Ký hiệu sách: 4236(083)
- Tác giả: Mã Giang Lâm sưu tầm và tuyển chọn
- NXB: Văn học
- Năm xuất bản: 2003; 223 trang; khổ 13×19 cm.
Văn hóa dân gian là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân ta, mà trong đó tục ngữ, ca dao là môt phần không thể nào thiếu. Ca dao, tục ngữ gắn liền với đời sống, sinh hoạt của người dân, đút kết những kinh nghiệm sống, cách đối nhân xử thế ở đời, qui luật trời đất, hiện tượng thiên nhiên, thời tiết nắng mưa. Quyển sách “Tục ngữ ca dao Việt Nam” do tác giả Mã Giang Lân tuyển chọn và giới thiệu những câu tục ngữ, ca dao hay, đặc sắc và có ý nghĩa, phản ánh phong phú về thiên nhiên, con người, tình yêu, tình cảm gia đình cũng như thực trạng xã hội Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị
Sách gồm hai phần chính:
   Phần 1: Tục ngữ ( bao gồm tục ngữ về kinh nghiệm xử thế, kinh nghiệm dự đoán thời tiết, kinh nghiệm sản xuất, quan hệ gia đình, kinh nghiệm ẩm thực)
   Phần 2: Ca dao ( bao gồm ca dao về lao động sản xuất, tình cảm bạn bè, tình yêu hôn nhân, tình yêu và lòng tự hào về quê hương- đất nước).
3. “Dấu chân người lính”

- Ký hiệu sách: 3530(083)
- Tác giả: Nguyễn Minh Châu
- NXB: Văn học
- Năm xuất bản: 2004; 514 trang; khổ 13×19 cm.
Nguyễn Minh Châu là nhà văn-chiến sĩ trưởng thành trong giai đoạn lịch sử đầy máu lửa của dân tộc, khi mà cả đất nước đều mang tâm thế “ dồn vào một con đường: ấy là con đường ra mặt trận, ấy là con đường cứu nước”. (Nam Cao).
Tiểu thuyết “Dấu chân người lính” của nhà văn Nguyễn Minh Châu được khởi thảo vào năm 1969 và sau đó được trích đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1970. Tiểu thuyết xoay quanh cuộc hành quân, vây đánh giặc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại mặt trận Khe Sanh- Tỉnh Quảng Trị. Quyển sách gồm có 17 chương chia làm 03 phần:
- Phần I: Hành quân
- Phần II: Chiến dịch bao vây
- Phần III: Đất giải phóng
“Dấu chân người lính”  ghi lại những khoảnh khắc chiến tranh tàn khốc trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước cũng như khắc họa người lính cách mạng với hàng chục nhân vật thuộc các thế hệ khác nhau như: Khuê, Kinh Nhẫn Lượng,.v..v. Đến với quân đội từ những vùng miền, những hoàn cảnh xuất thân khác nhau nhưng họ đều mang trong mình những phẩm chất chung là lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với Tổ quốc, niềm say mê chiến đấu và tâm hồn trong sáng.  Đọc “Dấu chân người lính”, bạn đọc có thể thấy được những người lính, trong chiến tranh, họ sẵn sàng từ bỏ tuổi trẻ, hạnh phúc riêng để đem lại độc lập, tự do cho dân tộc. Để từ đó, thế hệ trẻ và là tương lai của đất nước biết phấn đấu vì tương lai tươi sáng của dân tộc.
Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc!
 
 

Tác giả bài viết: Thanh Trúc