Đưa ca khúc cách mạng vào bài học Ngữ văn

Đưa ca khúc cách mạng vào bài học Ngữ văn
Đưa ca khúc cách mạng vào nhà trường là một chủ đề lớn, còn đưa những ca khúc vào bài học Ngữ văn cũng không hề là một chủ đề nhỏ. Vì thế, cùng với việc học những văn bản trong chương trình các bạn học sinh còn tổ chức hoạt động tìm về những ca khúc ‘đi cùng năm tháng” bằng nhiều hoạt động thú vị.

Vào chiều ngày 24/10/2019, tập thể lớp 12 TH đã tổ chức chuyên đề: Khúc ca người chiến sĩ. Buổi sinh hoạt có sự tham dự của cô Trang Thị Thu Trang- Tổ trưởng Tổ Lý- Tin - Công nghệ, cô Trần Thị Mỹ Tiên - giáo viên dạy Aerobic, cô Huỳnh Thị Ngọc Lan- giáo viên dạy Ngữ văn cùng tập thể lớp 12TH và các bạn lớp 11TA tham dự.
Buổi sinh hoạt mở đầu băng bài cảm nhận về vẻ đẹp hình tượng người lính trong những năm kháng chiến, bạn Võ Đại Lộc viết: “Theo dòng lịch sử, qua các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta, người chiến sĩ là nhân vật trung tâm của cuộc chiến. Trên khắp mọi miền đất nước, ở đâu cũng bắt gặp hình ảnh những người con tạm biệt người thân, tạm biệt quê hương để lên đường cầm súng đánh giặc. Họ đã chịu đựng biết bao gian khổ hy sinh để chiến đấu giành lại độc lập tự do cho dân tộc, thực hiện lý tưởng cao quý của Đảng, Bác Hồ và nhân dân. Để đất nước chúng ta có được như ngày hôm nay, đã không ít những người anh hùng, nghĩa sĩ đã hi sinh quên mình nằm xuống. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng viếtKhi có giặc người con trai ra trận Người con gái trở về nuôi cái cùng con. Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh. Nhiều người đã trở thành anh hùng...”. 
Đại Lộc với bài cảm nhận về Vẻ đẹp hình tượng người lính trong thơ kháng chiến
Phần hấp dẫn nhất là cuộc thi hát “Khúc ca người chiến sĩ” với phần tranh tài của 08 đội. Các bạn đã thưởng thức âm hưởng hào hùng qua ca khúc: Cô gái mở đường của nhạc sĩ Xuân Giao với thể hiện của cặp song ca: Thạch Huỳnh Nhật Thành và Huỳnh Gia Bảo, Năm anh em trên một chiếc xe tăng của nhạc sĩ Doãn Nho phổ thơ Hữu Thỉnh qua trình bày của Nguyễn Quang Vinh và Nguyễn Quang Minh, ca khúc Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây (thơ Phạm Tiến Duật, Nhạc Hoàng Hiệp) qua phần thể hiện của Nguyễn Huy Ngọc, Hãy yên lòng mẹ ơi của Lư Nhất Vũ, Lê Giang là tâm sự của người lính được bạn Diệp Thừa Khang và Trần Đình Quang thể hiện, giọng ca của Thạch Huỳnh Nhật Thành qua ca khúc Em đi qua cầu cây của nhạc sĩ Lê Văn Lộc, ca khúc Tàu anh qua núi sáng tác của  Phan Hoa Lạc qua phần trình diễn của tốp ca: Dàn đồng ca mùa hạ, Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân của nhạc sĩ Huy Thục do bạn Đức Uy thể hiện và ca khúc Anh Ba Hưng của nhạc sĩ Trần Kiết Tường do Huy Ngọc và Đình Thi trình bày.
Nhật Thành với ca khúc “ Cô gái mở đường” đạt giải Nhì
 
Ca khúc “Trường Sơn Đông- Trường Sơn Tây” của Huy Ngọc đạt giải Nhất
Với chất giọng khỏe khoắn kết hợp với sự cổ vũ nhiệt tình của các bạn, các “ca sĩ” làm sống lại những năm tháng hào hùng, đấu tranh anh dũng của dân tộc. Đây cũng là dịp đề thế hệ trẻ chúng ta nhìn lại truyền thống tốt đẹp của dân tộc, để rồi cùng nhau cố gắng ra sức học tập, cống hiến cho quê hương, đất nước.
Phần trình diễn của Dàn đồng ca Mùa hạ vói ca khúc Tàu anh qua núi
Nhận xét về phần trình diễn của các bạn cô Trang Thị Thu Trang nói "Đưa ca khúc cách mạng vào bài học Ngữ văn là một ý tưởng hay và các em đã chọn những ca khúc đi cùng năm tháng, làm sống lại những năm tháng hào hùng mà thế hệ cha, anh đã anh dũng trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm”.
Ban giám khảo đã trao giải Nhất cho bạn Nguyễn Huy Ngọc với ca khúc ca khúc Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, giải Nhì thuộc về bạn Thạch Huỳnh Nhật Thành với ca khúc Em đi qua cầu câuy và giải Ba thuộc về cặp đôi Diệp Thừa Khang vàTrần Đình Quang với ca khúc Hãy yên lòng mẹ ơi.
Những giọng ca vàng của lớp 12 TH
Chưa dừng lại ở đó, buổi sinh hoạt còn là phần tập khiêu vũ các ca khúc cách mạng qua phần hướng dẫn của cô Trần Thị Mỹ Tiên. Hoạt động này giúp cho các bạn thêm tự tin và có nhiều kĩ năng sống trong cuộc sống.
 
Buổi sinh hoạt “Khúc ca người chiến sĩ” đã giúp cho các bạn học sinh- thế hệ trẻ hôm nay hiểu được những truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam trong khói lửa chiến tranh cũng như trong hòa bình xây dựng, đồng thời làm cho bài học Ngữ văn thêm sôi động, lôi cuốn và khắc sâu thêm kiến thức bài học.
                                                                                                           

Tác giả bài viết: Ngọc Mai- Kim Huê