Danh mục

Thống kê

  • Đang truy cập: 320
  • Khách viếng thăm: 313
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 97770
  • Tháng hiện tại: 1486721
  • Tổng lượt truy cập: 18787000

CÁC LOGO ĐẠT GIẢI

TRẢI NGHIỆM THÚ VỊ TẠI LÀNG VĂN HÓA KHMER CỦA HỌC SINH TRƯỜNG THỰC HÀNH SƯ PHẠM TRÀ VINH

Đăng lúc: Chủ nhật - 06/10/2019 23:51 - Người đăng bài viết: admin
Sen Đôn Ta là một trong những lễ hội truyền thống của người Khmer. Đây là lễ hội cổ truyền mang đậm bản sắc văn hóa riêng của đồng bào Khmer Nam Bộ thể hiện sự biết ơn công đức của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người đã khuất; đồng thời, cầu an cho bản thân, gia quyến và những người còn tại thế. Vào ngày chủ nhật nhằm ngày 29/09 cũng là ngày cuối cùng của lễ hội, chúng em, nhóm thực hiện dự án nghiên cứu khoa học về giáo dục trải nghiệm, đã có một chuyến tham quan làng văn hóa Khmer tọa lạc ở xã Lương Hòa, Châu Thành, Trà Vinh. Một chuyến đi cực kì thú vị và bổ ích.
Chuyến đi ấy là một trải nghiệm thật tuyệt vời vì chúng em được hiểu biết thêm về cuộc sống sinh hoạt và  văn hóa của người dân Khmer. Phong cảnh nơi đây rất đẹp, thân thiện với môi trường, những món ăn độc đáo đặc trưng cho ẩm thực Khmer Nam Bộ.
Nhóm chúng em tham quan theo  một tour du lịch của tỉnh. Tập trung tại Ao Bà Om vào lúc 8 giờ sáng gồm các thành viên nhóm thực hiện dự án của trường Thực hành Sư phạm và những người khách khác. Đoàn di chuyển dần vào các điểm tham quan bằng xe tuk tuk, một loại xe máy gắn cabin ở phía sau thuận tiện di chuyển vào các đường làng nhỏ hẹp.
Điểm tham quan đầu tiên của chúng em là Con đường bích họa được khởi đầu từ cổng làng cho đến điểm dừng cuối làng ở chùa Lò Gạch. 16 chủ đề tranh bích họa được chọn lọc thay cho câu chuyện kể bằng những hình ảnh lắp ghép về lễ tết Chôl Chnăm Thmây, Sene Dolta; Óc Om Bóc, làng nghề truyền thống, truyền thuyết về các vị thần trong văn hóa Khmer... vẽ nên một bức tranh tổng thể của làng mang tính đặc thù Khmer. Những bức họa đầy màu sắc góp phần tô điểm thêm cho con đường làng trở nên sinh động, hấp dẫn, kì bí . Em thích nhất là bức ảnh miêu tả về cuộc thi đua ghe ngo vào lễ Okombok, bức ảnh gồm một chiếc ghe có thân hình một con rồng với 4 mái chèo mỗi bên. Bức tranh đã nói lên cách mà người Khmer hưởng thụ ngày lễ lớn nhất của họ.
Tiếp theo nhóm chúng em đi đến nhà chú Thạch Sang, nằm sâu trong khu di tích Ao Bà Om. Một ngôi nhà mang đậm nét văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc ấy, nhà mái ngói xưa, cái chày, cái cối giã cốm dẹp, gian nhà để ca múa vào lễ tết, cũng là gian trình diễn các điệu múa dân gian  cho khách du lịch xem… Cốm dẹp là một món ăn đặc sắc thứ 2 sau bún nước lèo của người Khmer, nó được làm từ nếp rang, sau đó giã ra rồi trộn với ít đường, nước dừa và những sợi cơm dừa khô béo ngậy. Đặc biệt là chúng em được thưởng thức trên một mảnh lá chuối được xếp thành cái phễu nhỏ, có thể cảm nhận được cả mùi của thiên nhiên từ cái “chén” lá ấy. Sau đó chúng em được xem điệu múa dân gian Khmer, một điệu múa nói về tình yêu, về các mối quan hệ (bạn bè, cha mẹ, ông bà,...), được giải thích về ý nghĩa của các động tác trong bài múa, được trải nghiệm tập múa hòa điệu với tiếng nhạc vui tươi. Người con gái Khmer thực hiện điệu múa ấy có một gương mặt không quá sắc sảo nhưng lại mang một vẻ đẹp riêng, làn da rám nắng đặc trưng, nụ cười sáng như ánh mặt trời lúc ban mai. Chúng em được chú Sang chỉ cách làm nón, túi xách, bông hoa,… từ sản phẩm thiên nhiên thân thuộc, lá dừa. Những sản phẩm độc đáo, đầy tính mỹ nghệ nhưng lại cực kì đơn giản và thân thiện. Đặc biệt nhất là được xem cảnh dâng cơm cho những chư tăng của chùa trong lễ tiễn đưa ông bà tại nhà chú Sang. Nhóm em đã xin phỏng vấn chú chủ nhà, chú cực kì vui tính, thân thiện và tốt bụng, những gì có thể chú đều kể cho chúng em. Chú nói làng du lịch đã được thành lập từ tháng 9 năm 2018 nhưng chỉ mới hơn 1000 khách thăm quan, đến đây gương mặt chú hiện rõ nỗi trăn trở của người muốn đưa nền văn hóa của dân tộc mình cho thật nhiều người biết đến. Chúng em cảm thấy rất tự hào vì đã được tiếp thu những giá trị văn hóa  đặc sắc  của đồng bào dân tộc Khmer.
Điểm tham quan kế tiếp là ngôi chùa Lò Gạch ( chùa Kom Pong Thmo), sở dĩ dân gian gọi là chùa Lò Gạch không phải vì trong chùa có lò gạch nào mà là vì xung quanh chùa phát hiện nhiều gạch nên lầm tưởng là nơi đây từng có lò gạch hoạt động thực ra đây là vết tích nền móng của kiến trúc bằng gạch, di tích kiến trúc chùa Lò Gạch mang những đặc điểm tiêu biểu của truyền thống văn hóa Óc Eo miền Tây Nam bộ với những ảnh hưởng đậm nét từ văn hóa Ấn Độ. Khuôn viên chùa có trồng rất nhiều cây xanh, trong đó có cây cổ thụ cao gần 12m, phải từ 4 đến 5 người ôm mới đủ vừa thân cây, có tuổi đời đã hàng trăm năm và rất linh thiêng. Người Khmer tâm niệm rằng, những ai cầu nguyện bằng cách buộc tấm vải của mình lên thân cây thì những ước nguyện sẽ trở thành sự thật. Và hàng tháng vào ngày cúng hội, các vị sư trong chùa cũng sẽ đến cây ước nguyện này làm lễ tụng kinh, cầu an và tưới nước cam lộ lên cây để cầu mong những điều ước của tất cả những ai treo vải nguyện cầu đều trở thành hiện thực.  Nhiều người dân Khmer trong vùng đều thường xuyên đến chùa để thực hiện nghi thức cầu nguyện độc đáo như trên.
Điểm cuối cùng của chuyến đi là chùa Âng (gọi theo ngôn ngữ Paly là Wat Angkor Raig Borei) ,một ngôi chùa nổi tiếng được xem là một trong những ngôi chùa lớn, tiêu biểu nhất cho các ngôi chùa Khmer trong tỉnh. Khuôn viên chùa rộng hơn 3,5 ha,trong đó có hàng trăm gốc sao, dầu cổ thụ quanh năm che mát ngôi chùa cổ kính. Theo truyền thuyết, Chùa được xây dựng từ nhiều thế kỉ trước, đã trải qua nhiều lần tu sửa nhưng ngôi chánh điện cơ bản vẫn giữ được nguyên trạng như buổi đầu mới hình thành. Quanh chùa là hào nước bao quanh, có một vài cây cầu nhỏ nhưng hiện nay do đã quá cũ nên những cây cầu được đổi thành các con đường băng thẳng qua con hào nước. Ngôi mái điện thờ được xây dựng theo cấu trúc 3 lớp mái theo hướng dẫn viên thì nó có ý nghĩa là 3 giới gồm dục giới, sắc giới và vô sắc giới, phân chia theo thứ tự cao dần, mỗi gò mái là các thần rắn Naga, tượng trưng cho sự vĩnh cữu. Cạnh chính điện còn có các chòi lá để ngồi thiền. Ngôi chùa thuộc phái Phật giáo Nam tông, bên trong chính điện là nơi hội tụ và phản ánh trình độ của các nghệ nhân đương thời về nghệ thuật kiến trúc, hội họa, điêu khắc. Chính điện thờ Phật Thích Ca, với các bức tranh miêu tả lại cuộc đời của Ngài ở khắp bốn bức tường, trên mái gồm 4 bức họa lớn theo ý nghĩa: Phật Thích Ca đản sinh, xuất gia, đắc đạo và nhập niết bàn. Ngôi chùa không chỉ là nơi cho các thiền sư tu hành mà còn cho các thanh niên tu báo hiếu. Bao quanh ngôi chánh điện uy nghi là tăng xá, giảng đường dạy chữ Paly và chữ Khmer. Ngôi chùa quay mặt về hướng đông, thể hiện tư tưởng Phật giáo là Phật Thích ca ở tây phương nhìn về hướng đông để độ trì chúng sinh.
Chuyến đi này không chỉ để thu thập tài liệu cho dự án của chúng em mà còn là lần học hỏi đầy thú vị và bổ ích. Nhóm dự làm dự án chúng em tích lũy được rất nhiều thông tin và kinh nghiệm về đời sống và văn hóa của người dân Khmer. Các địa điểm trên với những nét riêng biệt đã tôn lên và làm phong phú  thêm cho vẻ đẹp văn hóa chung của tỉnh Trà Vinh.
Nhóm thực hiện dự án

Trải nghiệm đan giỏ bằng lá dừa
 

Đặc sản cốm dẹp


Nhóm thực hiện dự án tại khuôn viên chùa Âng


 
Tác giả bài viết: Hoàng Nguyên- Đăng Hạo
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

GIỚI THIỆU

Giới thiệu

GIỚI THIỆU CƠ CẤU TỔ CHỨC