Danh mục

Thống kê

  • Đang truy cập: 310
  • Khách viếng thăm: 308
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 48538
  • Tháng hiện tại: 1496790
  • Tổng lượt truy cập: 18797069

CÁC LOGO ĐẠT GIẢI

Học sinh trường Thực hành Sư phạm với cuộc thi Khoa học Kĩ thuật cấp Quốc gia

Đăng lúc: Thứ ba - 21/03/2017 23:52 - Người đăng bài viết: admin
Cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia dành cho các tỉnh thuộc khu vực phía nam tổ chức tại thành phố Vũng Tàu khai mạc vào ngày 13/3/2017. Sau 4 ngày với nhiều hoạt động sôi nổi, cuộc thi bế mạc vào trưa ngày 16/3/2017. Đoàn Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh tham gia dự thi 6 dự án với 6 lĩnh vực và cả 6 dự án đều đạt giải, trong đó trường Thực hành Sư phạm đạt 1 giải Ba và 3 giải Khuyến khích. Đây là một kết quả đáng khích lệ cho trường Thực hành Sư phạm nói riêng và tỉnh Trà Vinh nói chung.
            Tham dự lễ khai mạc có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Bộ trưởng đánh giá cao các dự án khoa học kỹ thuật của học sinh tham gia tại hội thi. Bằng việc khuyến khích các em hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo, vận dụng kiến thức phổ thông với thực tế cuộc sống để giải quyết những vấn đề liên quan, Bộ trưởng hi vọng thông qua cuộc thi các thầy cô giáo và các em học sinh sẽ có nhận thức mới về chất lượng giáo dục, từ đó thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong nhà trường.
            Qua Hội thi, nhiều học sinh đã thể hiện được phẩm chất năng lực của nhà khoa học tiềm năng, các em còn được tham gia Hội thảo khoa học “Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong trường trung học” và các hoạt động giao lưu bổ ích và lý thú khác.
            Trường Thực hành Sư phạm từ những ngày đầu mới thành lập cũng đã tham gia cuộc thi này khi cuộc thi mới bắt đầu tổ chức vào năm học 2011-2012. Việc tham gia cuộc thi đã trở thành hoạt động thường niên và là sân chơi trí tuệ bổ ích, lí thú thu hút nhiều học sinh trường Thực hành Sư phạm đam mê nghiên cứu khoa học tham gia mỗi năm. Năm học 2016-2017 trường Thực hành Sư phạm tham gia cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia với 4 dự án ở 4 lĩnh vực và cả 4 dự án đều đạt giải. Trong đó có 3 giải Khuyến khích và 1 giải Ba:
TT Tên dự án Lĩnh vực GV hướng dẫn Tên học sinh Đạt giải cuộc thi KHKT cấp quốc gia
1 Bột nặn thân thiện
 
Khoa học vật liệu Nguyễn Thị Hồng Thúy Phạm Hoàng Anh Kiệt- Nguyễn Hương Quyên Giải
Khuyến khích
2 Xây dựng ứng dụng “Tự ôn thi THPTQG môn Hóa học” cho thiết bị di động
 
Hóa học (Hóa học trên máy tính) Thạc sĩ
Huỳnh Thiên Lương
Nguyễn Hữu Thông - Trương Thanh Trúc Giải Ba
3 Học sinh với việc nghiên cứu tìm hiểu và đưa nghệ thuật Đờn ca tài tử ở tỉnh Trà Vinh vào trường học
 
Khoa học xã hội và hành vi Thạc sĩ 
Trần Thanh Ngân
Nguyễn Thành Gia –
 Hàn Kiều Như
Giải
Khuyến khích
4 Nghiên cứu saponin từ vỏ quả bồ hòn và ứng dụng vào sản xuất xà phòng thiên nhiên Hóa sinh Thạc sĩ 
Trang Thị Thu Trang
Nguyễn Kiều Quyên Quyên Trầm Thị Tú Trinh
 
Giải
Khuyến khích
 
 
 
            Theo đánh giá của Ban tổ chức, so với các năm trước, nhìn chung các dự án dự thi được chuẩn bị công phu; hàm lượng khoa học trong các dự án được nâng lên đáng kể. Về phía các dự án của học sinh trường Thực hành Sư phạm đã quy tụ được những ý tưởng khoa học khá độc đáo, hàm lượng khoa học cao; có sự đầu tư đáng kể về nội dung và hình thức. Đặc biệt là các dự án điều rất thiết thực khi giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống nhằm phục vụ nhu cầu về đời sống tinh thần, vật chất và học tập của học sinh.
            Dự án Bột nặn thân thiện của các em học sinh cấp THCS rất thiết thực để giải quyết vấn đề sử dụng đất nặn trong vui chơi và học tập của các em Mầm non và Tiểu học khi các loại sáp nặn đang bán ở thị trường Việt Nam sau khi sử dụng dính vào tay khó rửa và trẻ em khi chơi có thể nuốt vào làm chúng bị ngộ độc do chứa các tạp chất, đất nặn xuất xứ từ nước ngoài thì giá thành rất cao. Bột nặn thân thiện sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường: các loại bột, dầu ăn, muối ăn, soda baking, nước, … đặc biệt là chiết xuất màu và tinh dầu từ thực vật. Trong quá trình tạo "Bột nặn thân thiện" rất an toàn không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, an toàn hơn các đất nặn ngoài thị trường. Nhiều ưu điểm nổi bật hơn so với các sản phẩm cùng loại khác có mặt trên thị trường: sử dụng tinh dầu thực vật chiết xuất vào đất nặn giúp bé khi chơi không bị muỗi chích và không ngửi thấy mùi khó chịu từ đất nặn khi chơi; khó bị vỡ khi bé tô và màu thấm vào khối tượng rất đẹp; lợi ích kinh tế là giá thành rẻ; tạo ra những lợi ích thiết thực nhất về môi sinh.
            Dự ánNghiên cứu saponin từ vỏ quả bồ hòn và ứng dụng vào sản xuất xà phòng thiên nhiên, các em học sinh đã dùng vỏ quả bồ hòn, nghiên cứu tìm ra phương pháp, công thức để tạo ra các sản phẩm xà phòng chứa saponin có thể thay thế các chất tẩy rửa hóa học phục vụ cho đời sống sinh hoạt của con người. Ngoài ý nghĩa khoa học thì dự án Xà phòng thiên nhiên còn mang ý nghĩa nhân văn giúp mọi người tìm về chất tẩy rửa thiên nhiên nhằm bảo vệ sức khỏe cho gia đình và góp phần bảo vệ môi trường tránh được tác hại do xà phòng hóa chất gây ra.
            Dự án Học sinh với việc nghiên cứu tìm hiểu và đưa nghệ thuật Đờn ca tài tử ở tỉnh Trà Vinh vào trường học, các em xuất phát từ niềm yêu thích say mê đối với một loại hình nghệ thuật âm nhạc của dân tộc đã nghiên cứu, tìm hiểu để đưa Đờn ca tài tử ( ĐCTT) vào trường học với nhiều hình thức như: Sinh hoạt ngoại khóa minh họa bài học môn Ngữ văn bằng Đờn ca tài tử, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tìm hiểu và tập ca những bài bản ngắn, Trải nghiệm với hình thức giao lưu tại các Câu lạc bộ ĐCTT ở địa phương. Ngoài ra, qua việc tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân ĐCTT, các em còn mạnh dạn đề xuất một nội dung chương trình ĐCTT với mong muốn bộ môn này được dạy bài bản, chính thức trong các tiết dạy âm nhạc ở cấp THCS. Đây là một vấn đề thiết thực nhằm bồi dưỡng nâng cao ý thức của học sinh trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
            Dự án Xây dựng ứng dụng “Tự ôn thi THPTQG môn Hóa học” cho thiết bị di động là ý tưởng xây dựng một ứng dụng cho thiết bị di động để tự học tốt các môn tự nhiên, đặc biệt các môn thi THPT Quốc gia với hình thức trắc nghiệm khách quan như môn Hóa. Với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, hầu như học sinh nào cũng đều có một thiết bị di động với 3 nền tảng cơ bản: Android, IOS và Windows. Việc xây dựng cho một ứng dụng có thể hoạt động tốt trên tất cả các nền tảng là một ý tưởng cần được phát triển. Dự án đưa ra những mục tiêu như: Tóm tắt lý thuyết cơ bản, nâng cao và phân dạng các bài toán thường gặp với ví dụ có lời giải chi tiết, đồng thời có hệ thống bài tập từ dễ đến khó để tự luyện và có đáp án tham khảo; tự làm bài thi thử trên thiết bị, các bài thi thử này được sưu tầm từ các trường Chuyên uy tín trên toàn quốc theo định hướng của Bộ GD và ĐT (năm 2017, 40 câu trắc nghiệm) có lời giải chi tiết cho từng câu hỏi của đề thi; có thể dễ dàng tra cứu khoảng 100 nguyên tố hóa học với thông tin cơ bản như tính chất, điều chế và ứng dụng của chúng; xây dựng thêm tính năng cân bằng phương trình hóa học tự động. Các em đã upload thành công lên GooglePlay (với hơn 3500 lượt tải về cài đặt); Microsoft Store và trong thời gian tới các em sẽ upload lên AppStore của Apple để các bạn học sinh tải về và cài đặt.
            Kết quả đạt được tại cuộc thi càng khuyến khích các em quan tâm hơn đến các vấn đề cuộc sống, biết cách liên hệ thực tiễn, vận dụng kiến thức phổ thông với thực tế sinh động để nảy sinh và hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo.Từ quá trình thực hiện dự án các em đã tạo được sự lan tỏa và truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho những học sinh khác trong trường. Kể về quá trình thực hiện dự án Em Phạm Hoàng Anh Kiệt chia sẻ: “Trong khi làm dự án phải thực nghiệm và thất bại rất nhiều lần. Phải kiên trì thì mới làm được và mới có thể thành công. Qua cuộc thi em đã học hỏi rất nhiều điều, biết thêm được nhiều kiến thức thú vị và bổ ích. Nếu có ý tưởng mới em sẽ tiếp tục tham gia cuộc thi.” Còn em Nguyễn Hương Quyên đồng tác giả dự án với Kiệt thì nói: “ Quá trình làm dự án rất dài, rất cực, nhưng đã giúp em trưởng thành hơn, thấy được những khuyết điểm của mình mà khắc phục. Cuộc thi rất có ý nghĩa với em, giúp những “nhà khoa học nhí” chúng em có được một  sân chơi bổ ích
            Trong quá trình thực hiện dự án, các em điều nhận thấy có rất nhiều khó khăn vướng mắc mà mình phải kiên trì vượt qua, ngoài kiến thức khoa học mà các em tích lũy được trong quá trình nghiên cứu thì việc rèn luyện kĩ năng mềm như: kĩ năng thuyết trình, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng giải quyết vấn đề,... cũng là điều hết sức cần trong học tập và rèn luyện của các em. Em Nguyễn Thành Gia cho biết: “ Cuộc thi đã khơi dậy ở chúng em niềm say mê sáng tạo và phát triển khả năng tư duy. Em cũng đã có được nhiều kinh nghiệm để áp dụng trong học tập cũng như trong giao tiếp ứng xử. Em cảm thấy rất vui mừng và tự hào vì đạt giải trong cuộc thi, không phụ lòng các thầy cô hướng dẫn, sự quan tâm của Ban giám hiệu, các bậc phụ huynh và các cô chú trong câu lạc bộ Đờn ca tài tử”. Còn em Nguyễn Hữu Thông đạt giải Ba thì bày tỏ: “ Đây là lần đầu tiên em tham gia cuộc thi khoa học kĩ thuật. Em cảm thấy bất ngờ và vui mừng khi dự án của mình được giải Ba của cuộc thi. Em rất cảm ơn thầy Huỳnh Thiên Lương đã hướng dẫn em, cảm ơn các thầy cô trong trường đã đóng góp ý kiến cho dự án của chúng em và tạo nhiều điều kiện cho chúng em tham gia các cuộc thi này. Em hi vọng năm sau sẽ có nhiều bạn tham gia cuộc thi này và sẽ đạt được nhiều giải thưởng cao hơn nữa.”
            Nhìn nhận đánh giá về những thành tích đáng khích lệ mà các em học sinh đạt được trong cuộc thi, cô Trang Thị Thu Trang, giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm trong việc hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kĩ thuật nói:“ Các em hôm nay có sự kế thừa và học hỏi kinh nghiệm của các học sinh đàn anh khóa trước, đội ngũ giáo viên cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc hướng dẫn. Bản thân các em đều thể hiện niềm say mê khoa học, khả năng ứng xử nhạy bén, bên cạnh đó các em cũng cần xác định đúng hơn về tích chất và quy mô của cuộc thi để tránh chủ quan và có những đầu tư sâu hơn nữa về kiến thức.”
            Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2016-2017 khu vực phía Nam với 34 đoàn dự thi, 217 dự án thuộc 22 lĩnh vực, có 373 học sinh tham gia đã bế mạc vào trưa ngày 16-3-2017. Niềm say mê nghiên cứu khoa học và những thành quả đáng khích lệ mà học sinh trường Thực hành Sư phạm đạt được trong cuộc thi đã góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh. Đó chính là cơ sở vững chắc để chất lượng giáo dục trong nhà trường ngày một phát triển hơn, tiến xa hơn.
Một số hình ảnh trong cuộc thi:


















 
                                                                                                                                            
Tác giả bài viết: Trần Thanh Ngân - Lê Phong Dũ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

GIỚI THIỆU

Giới thiệu

GIỚI THIỆU CƠ CẤU TỔ CHỨC